Author

 

Xin chào! Xin chào!

Ây dà, có khách ghé thăm nhà, quý hóa quá! Ngày hôm nay của bạn thế nào? 😊

À quên, do toàn bộ trang này tui sẽ viết về… chính mình nên mới nhận vơ xem nó như là “nhà” đó mà. 😄 Tinh ý chút nữa bạn sẽ biết liền nghĩa “nhà” thứ hai mà tui ám chỉ, đó là sự gần gũi và cởi mở khi chúng ta trò chuyện tại đây.

Hầy, hưởng ứng xì-tai “sắc” của blog, mình “chém gió” chút chơi. 😋 Bạn để ý thấy không, có mấy yếu tố vùng miền đan xen trong câu chào khách của tui ở trên. “Ây dà” là câu cửa miệng đặc chất Nam bộ luôn! Còn chữ “quý hóa quá” thì gợi ngay tới âm hưởng miền Bắc. Vậy, bạn đã đoán được điều gì về tui chưa? 😃

Tui chính xác là một thằng “gốc Bắc, ngọn Nam” đó. 😆 Dù sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam bộ nhưng ba má tui đều là người Bắc hết. Thành thử, ở nhà thì tui sống theo kiểu Bắc, còn ra ngoài thì xuôi theo kiểu Nam, cũng hay hay. 😄

Tui viết lan man về bản thân ở đây cốt là để bạn đọc hiểu thêm về tui, về tính cách, sở thích, lối sống… Tui thì luôn quan niệm “thêm bạn, thêm sang” và tui tin rằng tất cả những ai đang đọc mấy dòng nhăng cuội này của tui đều có thể trở thành bạn tốt, bởi nếu họ ghét tui thì sẽ không có đủ kiên nhẫn đọc đến đây đâu. 😄 Vốn tính xởi lởi và chân thành, tui mong là sẽ làm quen được với nhiều bạn bè mới, và chúng ta sẽ cùng san sẻ những điều tốt đẹp cho nhau. Sống một cuộc đời luôn có người sẵn sàng sẻ chia và sát cánh thì còn gì bằng!

Thêm bạn, thêm sang – Cragen.


Tui lại tiếp tục huyên thuyên với việc giải thích tên gọi “Cragen” của blog. Thú thực với bạn là tui có thể nói trắng ra nó nghĩa là gì ngay bây giờ, nhưng làm vậy sẽ hơi… thô bạo và khó hiểu. 😆 Vậy nên tui mạn phép diễn giải nó theo một cách khác, chậm rãi và thấu đáo hơn thông qua câu chuyện thời thơ ấu của tui. Bạn còn hứng đọc tiếp chứ? 😄

Chuyện là lúc nhỏ, tui hay máy mó ráp nối những thứ vụn vặt xung quanh để chế ra mấy món đồ chơi không “đụng hàng” làm bọn trẻ trong xóm rất khoái chí. Tui nhớ hồi lớp 5, lớp 6 mỗi khi tan học lại có một chú dong dỏng cao, da sạm nắng, lúc nào cũng niềm nở đứng bán mấy chiếc mô-tơ chạy pin Con Ó ¹ ngoài cổng trường. Giá một chiếc lúc đó (khoảng những năm 2005) chỉ có 1.500 đồng. 😲

3.7V-50000RPM-Micro-Coreless-Motor-Set
Hình 1. Mô-tơ chổi than (Brushed Electric Motor). Nguồn: Google Images.

Đồ chơi mô-tơ này có gắn cánh quạt nhựa dẻo ở đầu (hình 1). Chú bán đồ chơi còn khéo léo làm thêm một ống giấy cứng có kích thước vừa bằng viên pin tiểu, rồi dùng băng keo dán dính vào thân mô-tơ, tạo thành một khối liền lạc mô-tơ và ống pin (hình 2).

Mô-tơ cánh quạt
Hình 2. Sơ đồ đồ chơi mô-tơ cánh quạt. © 2017 Cragen Blog.

Mỗi lần muốn cho máy chạy, người chơi chỉ cần dí một đầu dây điện vào đuôi viên pin (đầu dây còn lại được giấu trong ống, tiếp xúc với cực dương của pin) là mô-tơ sẽ rung lên nghe xè xè và cánh quạt quay tít mù, thổi gió phà phà vào mặt (hình 2).

Nhưng chơi riết cũng chán! Mô-tơ cánh quạt “phổ cập” tới mức thằng nhóc nào trong xóm cũng có, cũng đem khoe rồi tò tí te các kiểu. 😄 Tui chán chơi mô-tơ nhưng lại mê mệt chiếc ca-nô điều khiển từ xa giá cả trăm ngàn (tương đương mấy triệu bây giờ) ở sạp ông Xê (một bác chuyên bán đồ chơi chỗ tui). Nhưng nhà tui lúc đó nghèo lắm. Ba má từ Bắc vào Nam lập nghiệp tay trắng, không người thân thích, phải tằn tiện từng đồng cho bữa cơm và cái mặc nên tui chỉ dám ngắm nghía, ước mơ mà không dám lân la xin mua.

Khi thèm khát một điều gì đó mà không thể thoả mãn, người ta sẽ tìm cách thay thế – Cragen.

Trước khi có trò mô-tơ cánh quạt, tui hay cắt gọt mấy thùng xốp thành hình thù những thanh “bảo đao” hoặc “trường kiếm” để đem “loè” mấy thằng chỏi con nhí nhố trong xóm. Bọn nó thích mê! Chạy lăng xăng vây quanh và cũng rất dè chừng tui vì trong tay đang lăm lăm cây “đồ long kiếm”. 😄 Đến khi chiếc mô-tơ quá phổ biến thì tui nảy ra ý tưởng gọt đẽo miếng xốp để mô phỏng chiếc ca-nô, rồi gắn mô-tơ lên đó cho nó chạy ve ve trên nước như mấy chiếc điều khiển từ xa chỗ ông Xê.

Nghĩ là làm. Mấy lần thử đầu tiên chiếc ca-nô chìm nghỉm do cái mô-tơ nặng hơn miếng xốp. Nó kéo ca-nô dựng đứng, chổng mũi lên trời 😄. Rút kinh nghiệm, tui khoét một khoang ở giữa thân ca-nô rồi chêm thêm mấy viên đá xanh cho cân lại sức nặng của mô-tơ. Nhưng vẫn còn vấn đề khác phát sinh: cánh quạt nhựa quay quá yếu và bị cong oằn khi cho chạy dưới nước, cộng thêm việc chỉ có 2 cánh mong manh nên nó không đẩy ca-nô chạy được, chỉ nhún nhún tại chỗ. 😆

Vớ lấy lon nước ngọt và kéo cắt cá của mẹ, tui cắt thành hình cánh quạt 4 cánh rồi bẻ cong các kiểu cho giống “chân vịt” của mấy chiếc ca-nô thật (gần giống hình 3). Xong thì đục lỗ gắn nó vào trục mô-tơ và dán keo 502 ² lại.

huongdantuchequatdieuhoalammatkhongkhitoi5docvoi250nghindong
Hình 3. Mô-tơ gắn cánh quạt. Nguồn: GenK.

Còn dư thiếc (của cái lon), tui làm thêm một cái bánh lái gắn cố định vào mặt dưới đuôi ca-nô (hình 4). Thế là chiếc ca-nô “dã chiến” chạy te te! 😁

Ca-nô xốp
Hình 4. Ca-nô xốp 😄. © 2017 Cragen Blog.

Nãy giờ mải mê kể chuyện thời thơ ấu nên thành ra trang này dài tuốt luốt. Tui ngắt trang cho dễ đọc nhé. Trang tiếp theo tui sẽ dành để viết về “Cragen” và những điều liên quan.


Chú thích:

¹ Pin Con Ó: tên gọi quen thuộc của pin tiểu AAA do công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam sản xuất.

² Keo 502: chỗ tui hay gọi là “keo dán sắt” vì tính kết dính cực mạnh của nó.

Write a comment

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.